Gordon Ramsay nổi tiếng với tính khí nóng nảy và là vị giám khảo “độc mồm độc miệng” nhất qua các chương trình Vua đầu bếp Mỹ hay Gian bếp kinh hoàng. Thế nhưng, ít ai biết được, để thành công như hiện tại, Gordon Ramsay đã trải qua một cuộc đời thăng trầm và hành trình nghề Bếp rất nhiều gian nan.
Đưa bạn đến với một góc nhỏ trong thế giới nghề Bếp bao la, hôm nay chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của một vị Đầu bếp nổi tiếng với những thành tựu to lớn trong nền ẩm thực thế giới. Người mà chúng tôi nhắc tới không ai khác, đó chính là: Gordon James Ramsay, vị Bếp trưởng tài năng, một trong những gương mặt quen thuộc và ăn khách nhất của các chương trình truyền hình ẩm thực, sở hữu chuỗi nhà hàng 14 sao Michelin.
Gordon James Ramsay, cái tên ăn khách của các chương trình truyền hình ẩm thực (Ảnh: Internet)
Một tuổi thơ không trọn vẹn của Goldan James Ramsay
Sinh ngày 8 tháng 11 năm 1966, Goldan James Ramsay là một đầu bếp nổi tiếng người Scotland, chủ nhà hàng và ngôi sao truyền hình. Ông sinh ra tại Johnstone, Renfrewshire, Scotland. Ramsay là con thứ hai trong gia đình có bốn đứa con. Ông có một chị gái, Diane, một em trai Ronnie và một em gái Yvonne. Cha Gordon (ông mất vào năm 1997) ngày ấy làm nhiều ngành nghề ở các thời điểm khác nhau như: Quản lý hồ bơi, người bán hàng, thợ hàn… Mẹ Helen Cosgrove và em gái của ông là Yvonne đều là Y tá.
Tuổi thơ và cuộc sống ban đầu được ông miêu tả là “lưu động trong vô vọng”, vì gia đình ông phải chuyển đi liên tục khiến cho mọi thứ đảo lộn ngay khi vừa mới làm quen. Đó một phần là do sự nghiệp không mấy ổn định của người cha, vốn là người bạo lực. Mặc dù, trong cuộc phỏng vấn ông đã từ chối nói về người cha như một người nghiện rượu. Song, trong cuốn tự truyện Hamble Pie, ông đã kể rằng cha ông là người “lăng nhăng và nghiện rượu”, cuộc sống của ông từ lúc còn thời thơ ấu vốn đã bị lạm dụng và bỏ bê từ người cha.
Phải mãi đến năm 1976, họ cuối cùng cũng đã định cư ở Stratford-upon-Avon, nơi ông lớn lên ở Bishopton. Thế nhưng, vẫn không thể chịu được cuộc sống đó, cậu bé đáng thương ngày ấy đã tự lập, chuyển ra khỏi nhà và đến sống trong một căn hộ ở Banbury khi chỉ mới 16 tuổi.
Cuộc sống nay đây mai đó của Gordon Ramsay hé lộ nhiều nỗi đau mà ông đã phải trải qua (Ảnh: Internet)
Từ sự nghiệp dang dở đến hành trình trở thành Đầu bếp triệu đô
Ít người biết rằng, thứ duy nhất giúp Ramsay vượt qua được những ngày tháng tăm tối đó và cũng là đam mê từ nhỏ của ông đó chính là bóng đá. Năm 12 tuổi, Ramsay từng được chọn vào đội tuyển U14 Warwickshire và Rangers. Cậu bé Ramsay đã từng được kỳ vọng làm nên kỳ tích nếu xuất hiện trong tuyển thủ bóng đá quốc gia. Tuy nhiên, sự nghiệp dang dở khi ông gặp hàng loạt chấn thương nặng, bắt ông phải giã từ sân cỏ. Cơ hội trở thành cầu thủ sáng giá cũng vụt mất từ đó.
Ai đó đã từng nói “Khi 1 cánh cửa đóng lại, 1 cánh cửa khác sẽ mở ra”, quả không sai với Ramsay. Đây chính là lúc chàng thanh niên trẻ tìm được niềm đam mê mới, thứ mà sau này đã gắn bó với ông như một mối lương duyên tiền định và mang ông tới sự thăng hoa của sự nghiệp, đó chính là ẩm thực. Và cứ thế, niềm đam mê dần dần được hình thành, cuốn ông vào công việc để theo đuổi ước mơ sẽ có một chuỗi nhà hàng cho riêng mình.
Tới năm ông 19 tuổi, ông thi vào ngành Quản trị Khách sạn của Đại học Kỹ Thuật Bắc Oxfordshire. Từ cuối những năm 1980, ông hăng say làm việc và phấn đấu tại các nhà hàng lớn nhỏ khác nhau. May mắn mỉm cười khi ông được gặp “Bố già của nền ẩm thực đương đại – Marco Pierri White” tại thành phố London. Marco không chỉ dạy ông nhiều bài học đắt giá về ẩm thực mà còn truyền cảm hứng, niềm đam mê với nấu nướng một cách bất tận cho Ramsay.
Sự nghiệp nghề Bếp của ông mở ra trang mới khi may mắn được gặp Marco Pierri White tại London (Ảnh: Internet)
Sau 2 năm, Ramsay tới làm việc tại khu nghỉ dưỡng Hotel Diva nằm trên dãy núi Alps nước Pháp cùng Đầu bếp Robert Roux. Với niềm khát khao cháy bỏng vươn xa hơn trong nghề Bếp, ông quyết định học cách nấu món ăn pháp. Trong vòng 3 năm, Ramsay đã thực sự khổ luyện và vượt qua thử thách rất nhiều, từng vì tập luyện quá nhiều mà căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Giai đoạn sự nghiệp thăng hoa
Khi về lại London, Ramsay được mời làm Bếp trưởng nhà hàng La Tante Clair và nhà hàng Rossmore. Với sự đóng góp vô cùng tích cực của ông, chỉ sau 14 tháng từ khi trở thành Bếp trưởng, nhà hàng này đã đổi tên thành Aubergine và đoạt ngôi sao Micheline danh giá đầu tiên. Sau đó, ông nhận ngôi sao Michelin lần hai.
Cho tới năm 1998, cuối cùng thì ông cũng hiện thực hóa được ước mơ của mình, tự mở một nhà hàng mang tên mình tại Chelsea. Năm 2001, ông vinh dự được trở thành Đầu bếp Scotland đầu tiên nhận được ngôi sao danh giá Michelin lần 3. Gordon Ramsay liên tục “ẵm” về hàng loạt giải thưởng danh giá. Đến nay, trên tổng số 15 ngôi sao Michelin, nhà hàng của Ramsay đã được trao tặng đến 14 ngôi sao, nằm trong top các ông chủ nhà hàng đạt nhiều sao Michelin nhất.
Với sự cống hiến to lớn cho ngành ẩm thực nước nhà, cùng với việc làm chủ một chuỗi nhà hàng, Gordon Ramsay được tôn vinh là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp lưu trú ẩm thực của Vương Quốc Anh năm 2009. Ông còn trở thành ông chủ nhà hàng, khách sạn quyền lực nhất trong danh sách thường niên 100 Caterersearch do tạp chí Caterer và Hotelkeeper bình chọn.
Mặc dù tính khí nóng nảy, có phần quái dị nhưng Ramsay lại là một trong những ông chủ NHKS quyền lực nhất hiện nay(Ảnh: Internet)
Hạnh phúc của một ông bố bốn con
1998 ngoài là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông thì đây cũng là năm mà Ramsay và người vợ Cayetana Elizabeth Hutcheson (còn gọi là Tana) có người con đầu tiên tên Megan Jane. Cặp sinh đôi Jack Scotte ra đời tiếp vào 2 năm sau đó và 2002 họ đón bé Holly Anna. Cả gia đình sinh sống tại Battersea. Khi phát triển được hệ thống kinh doanh chuỗi nhà hàng, cha vợ của Ramsay chịu trách nhiệm quản lý các chuỗi nhà hàng này bắt đầu từ năm 2010.
Để nói về Gordon Ramsay, người ta không chỉ thán phục về sức ảnh hưởng và ưu ái gọi ông là “Ông hoàng trong làng ẩm thực thế giới”, coi ông như “nguồn cảm hứng bất tận’ để nỗ lực với ước mơ nghề Bếp hay khả năng kiếm tiền “bậc thầy”. Mà họ còn ngưỡng mộ ông trong vai trò là một người cha tuyệt vời với cách dạy con “khác người”.
Là người có tuổi thơ không mấy trọn vẹn, vì thế Ramsay luôn muốn các con nhận được sự giáo dục tốt đẹp hơn bao giờ hết. Ông khuyến khích các con làm việc vì đam mê chứ không phải tiền bạc hay danh vọng. Ông kịch liệt phản đối việc các con muốn vào bếp chỉ vì có người cha tài giỏi ở đó và cũng không dạy các con trở thành một Đầu bếp chuyên nghiệp.
Ngoài sự nghiệp vang dội, Ramsay còn có một gia đình hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ (Ảnh: Internet)
Đến nay, ông vẫn nổi tiếng với câu nói “Con tôi có thể trở thành một đầu bếp nổi tiếng, nhưng sẽ phải tìm một ai đó khác để mà học nghề chứ không phải tôi”. Hay như “Nếu các con nấu ăn trong nhà hàng của tôi, đó sẽ là cơn ác mộng đối với các nhân viên. Họ sẽ không ngừng để ý kiểu: “Nhìn kìa, đó là con của Gordon Ramsay!’”.
Bước qua những thăng trầm của cuộc đời, ông hiểu cái giá của sự nổi tiếng, của việc có một người cha giàu có và quyền lực sẽ ảnh hưởng thế nào tới suy nghĩ, hành động và sự phát triển của các con. Và ông cũng hiểu hơn ai hết, để có được những thành tựu danh giá như ông đã đạt được, ai cũng đều phải nỗ lực hết mình và bản thân phải đứng trên đôi chân của chính mình. Đấy cũng là điều mà bất kỳ một Đầu bếp hiện đại nào cũng cần phải hiểu và làm được.
Ý kiến của bạn