Bạn luôn nghĩ rằng bạn là người biết lắng nghe, thế nhưng đó chỉ dừng lại là nghe thông thường. Kỹ năng lắng nghe không đơn thuần là nghe mà nó còn là sự thấu hiểu và học hỏi. Vậy thật sự kỹ năng lắng nghe là gì? Lắng nghe có tầm quan trọng như thế nào? Cùng CET tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Kỹ năng lắng nghe là gì?
Nghe là một quá trình thụ động chỉ việc chúng ta tiếp nhận mọi loại âm thanh. Còn lắng nghe là một quá trình chủ động, tập trung và mong muốn thấu hiểu nội dung của người nói. Phân tích những gì họ nói rồi đưa ra lời đối đáp ý nghĩa hoặc chia sẻ, cho lời khuyên với người đối diện.
Mặc dù nghe là một phản xạ của con người, nhưng lắng nghe là một kỹ năng cần phải rèn luyện trong thời gian dài mới có thể thành thạo. Kỹ năng lắng nghe không chỉ áp dụng vào môi trường làm việc mà còn áp dụng vào đời sống gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Và kỹ năng lắng nghe cũng là điều cơ bản mà một doanh nghiệp, công ty đòi hỏi ở nhân viên của họ.
Lắng nghe là quá trình chủ động, mong muốn thấu hiểu và
chia sẻ với người khác (Ảnh: Internet)
Tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe
Trong công việc
Dù là ngành nghề nào từ luật sư, tư vấn, bán hàng, nhân viên văn phòng… thì kỹ năng lắng nghe luôn luôn quan trọng. Lắng nghe không chỉ giúp chúng ta học hỏi kinh nghiệm; thấu hiểu tích cách, thói quen, sở thích, tâm tư tình cảm của đồng nghiệp, khách hàng, đối tác mà còn giúp ta đưa ra được những ý tưởng để giải quyết vấn đề nhanh chóng. Đặc biệt, đối với các nhà lãnh đạo, kỹ năng lắng nghe sẽ giúp họ thấu hiểu nhân viên của mình, tạo được sự gắn kết và tăng hiệu quả làm việc.
Trong cuộc sống
Kỹ năng lắng nghe giúp chúng ta xây dựng và phát triền mối quan hệ. Vì trong giao tiếp, ai cũng muốn được người khác lắng nghe, muốn có nơi để trút nỗi phiền muộn. Do đó, nếu bạn biết cách lắng nghe, khích lệ, ủng hộ đúng cách, thì cuộc giao tiếp sẽ thành công hơn. Từ đó, mối quan hệ của bạn sẽ trở nên gắn bó và tin tưởng hơn.
Rèn luyện kỹ năng lắng nghe
Tập trung lắng nghe
Tập trung lắng nghe những gì người khác nói chính là tôn trọng họ. Trong quá trình giao tiếp, sự lơ đễnh, thiếu tập trung vào câu chuyện sẽ gây ra cảm giác khó chịu cho người nói. Nếu bạn chỉ nghe ngẫu nhiên nhưng không tập trung, không hiểu người đối diện nói những gì nghĩa là bạn chưa đặt mình vào câu chuyện. Sự tập trung của bạn còn thể hiện qua cảm xúc, ánh mắt, thái độ, cử chỉ khi trò chuyện.
Khuyến khích người nói
Trong quá trình lắng nghe, bạn có thể bày tỏ thái độ, cảm xúc của mình để bày tỏ quan điểm của mình với những gì họ nói như: Cười, gật đầu, tiếc nuối, hạnh phúc, lo lắng… Hoặc bạn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể là lắc lư, bắt tay, đặt tay lên vai, xích lại gần hơn…
Bên cạnh đó, bạn có thể biểu đạt bằng những câu như: “Thế à!”, “Ồ, tôi hiểu rồi!”, “Tiếp đến thế nào?”… Những biểu hiện của bạn sẽ là nguồn an ủi, khuyến khích người nói, tạo động lực cho cuộc rèo chuyện, giúp họ sẵn lòng chia sẻ và khiến mối quan hệ gắn bó hơn.
Kỹ năng lắng nghe giúp ta thấu hiểu và yêu mến
những người xung quanh hơn (Ảnh: Internet)
Phản hồi người nói
Cứ mãi lắng nghe vẫn chưa đủ, bạn không thể chỉ lắng nghe trong suốt một câu chuyện dài mà bạn cần bày tỏ sự quan tâm bằng cách trả lời những câu nói của người đối diện. Hoặc bạn có thể đặt câu hỏi liên quan đến những nội dung đang nói để gợi mở câu chuyện, giúp cho họ chia sẻ nhiều hơn. Sự phản hồi của người nghe sẽ giúp cho cuộc trò chuyện thêm phần sinh động.
Với những thông tin trong bài viết trên, hy vọng rằng bạn sẽ hiểu hơn về kỹ năng lắng nghe là gì, tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe trong đời sống và cách để rèn luyện kỹ năng lắng nghe thành thạo. Hãy cố gắng rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng này ngay từ bây giờ bạn nhé!
Ý kiến của bạn