Bạn đã từng nghe đến thuyết bất hòa nhận thức? Bạn hiểu như thế nào về lý thuyết này? Mặc dù tên gọi nghe thật xa lạ nhưng nó là một dạng tâm lý luôn hiện hữu trong từng cá thể. Chắc chắn qua bài viết của CET sau đây bạn sẽ cảm thấy thật quen thuộc vì bản thân đã trải qua rất nhiều lần bất hòa nhận thức.
Bất hòa nhận thức là gì?
Bất hòa nhận thức là một thuyết tâm lý có tên tiếng Anh là Cognitive dissonance. Thuyết bất hòa nhận thức xuất hiện từ cuối thập niên 50 của thế kỷ 20 được đưa ra bởi nhà tâm lý học Leon Frestinger.
Thuyết bất hòa nhận thức chính là cảm giác khó chịu, căng thẳng khi một người nhận thức được hai hoặc nhiều ý tưởng, niềm tin trái ngược nhau cùng một lúc. Sự khó chịu xuất hiện khi niềm tin của con người bị va chạm với bằng chứng trái ngược với niềm tin vốn có. Lúc này, tâm trí của con người sẽ bị tán công bởi vô vàn sự nghi ngờ. Và để thoát khỏi cảm giác đó, họ sẽ tìm cách giải quyết bằng cách trấn an bản thân hoặc thu thập các thông tin phù hợp với niềm tin của mình, hạn chế đối mặt với các thông tin trái với niềm tin của họ.
Bất hòa nhận thức là cảm giác khó chịu khi bạn nhận thức được hai hoặc nhiều
thông tin trái ngược nhau (Ảnh: Internet)
Một ví dụ minh họa để bạn hiểu rõ hơn về bất hòa nhận thức: Khi bạn đang trong quá trình giảm cân, bạn sẽ giảm lượng tinh bột, giảm lượng đường, chất béo… Thế nhưng, khi bạn nhìn thấy những chiếc bánh ngọt và cơn thèm khát xâm chiếm lấy bạn. Lúc này, bạn sẽ tự nhủ rằng, chỉ ăn 1 cái bánh sẽ không sao hoặc mình sẽ ăn 2 cái và sẽ tập để trừ đi lượng calories này. Đây chính là bất hòa nhận thức.
Tầm quan trọng của lý thuyết bất hòa nhận thức
Trong giao tiếp khi nhận ra được bất hòa nhận thức, bạn sẽ tìm được cách để thuyết phục đối phương mà không phải gây ra tranh cãi hay mất lòng nhau, mục đích giao tiếp cũng sẽ thành công. Ngoài ra, bất hòa nhận thức giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp dự báo được xu hướng cam kết thay đổi thái độ và hành vi của nhân viên. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra được các chính sách tạo điều kiện cho nhân viên để làm giảm bất hòa và khiến nhân viên chuyên tâm làm việc, thu được hiệu quả làm việc cao.
Có 4 cách mà con người sử dụng để làm giảm mức độ bất hòa nhận thức là:
– Thay đổi hành vi hoặc thay đổi nhận thức.
– Bào chữa cho nhận thức hoặc hành vi bằng cách thay đổi xung đột nhận thức.
– Bào chữa cho nhận thức hoặc hành vi bằng cách tiếp thu và thêm vào các nhận thức mới.
– Bỏ qua hoặc từ chối thông tin xung đột với nhận thức ở hiện tại.
Ứng dụng thuyết bất hòa vào việc thuyết phục mọi người
Thuyết phục một ai đó để họ tin tưởng vào một vấn đề, tư tưởng và khiến họ hành động chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bởi mỗi người sẽ có cách nghĩ riêng, nhận thức khác nhau nên rất khó để khiến họ thay đổi suy nghĩ. Còn chưa kể trong quá trình thảo luận bạn sẽ gặp những người từ chối lắng nghe hoặc phản bác lại những nhận định của chúng ta vì nó khác với niềm tin vốn có của họ.
Hiểu rõ thuyết bất hòa sẽ giúp bạn cởi mở hơn trong quá trình
thuyết phục người khác (Ảnh: Internet)
Và khi gặp trường hợp này, đa số mọi người sẽ cảm thấy tức giận, phẫn nộ và cho rằng đối phương là người bảo thủ, ngu dốt, nhưng hãy suy nghĩ lại. Nếu là bạn, bạn có dễ dàng thay đổi nhận thức hay thừa nhận suy nghĩ của mình từ trước đến nay là sai và tin tưởng một điều vừa mới nghe hay không? Chắc chắn hầu hết câu trả lời là không. Do đó, nếu như bạn hiểu về thuyết bất hòa nhận thức sẽ giúp bạn hiểu và cảm thông cho người đối diện.
Từ sự thông cảm, bạn sẽ cởi mở hơn trong quá trình thảo luận, không phỉ báng niềm tin của người khác. Và kết quả nhận được sẽ là một mối quan hệ vững chắc hơn, cho dù bạn có thuyết phục được người khác hay không nhưng chắc chắc một điều họ sẽ chấp nhận nghĩ đến những lời nói của bạn đưa ra và có thể họ sẽ thay đổi nhận thức của họ. Nhưng nếu bạn không hiểu rõ bất hòa bạn sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Tổng kết
Với những thông tin về thuyết bất hòa nhận thức trên đây, hy vọng rằng bạn sẽ hiểu rõ và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày cũng như trong quá trình giao tiếp với người khác.
Ý kiến của bạn