Tìm hiểu đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực của Hà Nội

Sắp tới bạn sẽ trải qua một chuyến du lịch tại thủ đô Hà Nội, vậy thì hãy đừng quên lưu lại những lễ hội và nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây để có được một kỳ nghỉ thật đáng nhớ và ý nghĩa cho riêng mình nhé.


Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam. Đây là nơi lưu truyền rất nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: lễ hội đền Cổ Loa, Lễ hội Phù Đổng, Lễ hội Đống Đa… và cả một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc với các món ăn trứ danh như: Phở, bún chả Hà Nội, chả cá Lã Vọng… Vì thế, dù trong tiết trời chuếnh choáng se lạnh hay ngày hè nóng bức thì người lữ hành bốn phương đều nên dành thời gian tận hưởng bữa tiệc ẩm thực của phố cổ hay hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội truyền thống nhé.

Các lễ hội đặc trưng của Hà Nội

Lễ hội Cổ Loa

Lễ hội Cổ Loa là lễ hội truyền thống diễn ra tại làng Cổ Loa, xã Đông Anh nằm ngoại thành Hà Nội. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, xuy tôn An Dương Vương Thục Phán, ông là người có công xây thành Cổ Loa và dựng nước Âu Lạc. Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng 6 đến 18 tháng Giêng hằng năm. Khi diễn ra lễ hội, dân làng Cổ Loa khai hội bằng nghi thức đại tế và lễ rước. Đại tế được tiến hành trong tiếng nhạc phường bát âm, các chức sắc và dân làng thay nhau cầu nguyện thái thái bình thịnh vượng. Đám rước gồm nghi trượng, cờ quạt, kiệu phường bát âm, lễ phục rực rỡ tỏa khắp các ngả đường. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn.

lễ hội Cổ Loa

Sau phần nghi lễ, lễ hội Cổ Loa còn có rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn
(Ảnh: Internet)

Lễ hội Phù Đổng (Hội Gióng)

Là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 9/4 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ, ca ngợi chiến công của Thánh Gióng, một trong tứ bất tử tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hội Gióng mô phỏng sinh động diễn biến các trận đấu chống giặc Ân của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang. Qua đó cung cấp hiểu biết hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa, nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống thượng võ và khát vọng dân tộc. Trong đó, hội Gióng tổ chức ở đền phù Đổng và đền Sóc là tiêu biểu nhất.

Lễ hội Gò Đống Đa

Lễ hội Đống Đa diễn ra vào ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán hằng năm tại Gò Đống Đa, nhằm tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Sau nghi lễ rước và dâng hương tưởng nhớ anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là màn biểu diễn võ thuật tái hiện trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Hội Đống Đa còn nhiều trò chơi vui khỏe để thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Lễ hội Làng Lệ Mật

Hằng năm vào ngày 23/3 âm lịch, người dân làng Lệ Mật, xã Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội lại mở hội nhằm tưởng nhớ Hoàng Đức Trung – Thành Hoàng Lệ Mật, người có công khẩn hoang vùng kinh đô lập ra 13 trang trại tây thành Thăng Long (hiện nay là Quận Ba Đình).

Ngày chính hội diễn ra từ sáng sớm đại diện con cháu 13 trại phía Tây Thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật từ kinh đô về đình Lệ Mật dự hội. Trong phần lễ gồm: lễ rước nước giếng làng, rước cá chép vào đình Thánh, rước cỗ 13 trại ở Ba Đình về đình làng. Ngoài ra, hội còn có trò múa rắn vô cùng đặc sắc.

Nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội

Một ngày dạo quanh Hà Nội, chiếc bụng đói của bạn sẽ chẳng còn chỗ chứa nữa. Bởi quả thực có rất nhiều món ăn ngon mà vài ngày cũng không thể thưởng thức hết được.

Phở – hương vị mang linh hồn của người Hà Nội

Khi nhắc đến hương vị phở, người ta nghĩ ngay tới Hà Nội, như một cách tự nhiên. Phở Hà Nội bao đời nay vẫn không thay đổi. Vị ngon đậm đà mà thanh tao ấy được chế biến từ nồi nước dùng thanh ngọt, hòa cùng gia vị, mùi thơm của thịt, rau, những thớ phở mềm dai, dùng ngay khi nóng hổi khiến bạn dù có đi đâu cũng chẳng thể không nhớ về. Phở Hà Nội rất đa dạng, từ phở bò, phở gà đến phở áp chảo, phở cuốn… mỗi loại đều có hương vị riêng.

Mê tít bún chả Hà Thành

Lọt vào top 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới, chỉ bấy nhiêu thôi cũng hiểu vì sao bún chả Hà Nội được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích đến vậy. Mỗi lần du lịch về mảnh đất địa linh nhân kiệt, ai ai cũng tranh thủ thời gian thưởng thức món bún chả trứ danh này.

Bún chả nếu chỉ nhìn sơ qua chỉ là vài miếng thịt, thêm dưa món ăn kèm, nước chấm, chan vào bún và thêm chút rau sống, rau thơm thôi thì chắc hẳn nhiều người hồ nghi về hương vị của nó. Thế nhưng, lạ thay, những ai đã được nếm qua một lần thì chẳng ngại tấm tắc khen ngợi. Khó có thể diễn tả được hương vị vừa đậm đà, beo béo, chua chua, cay cay và ngọt ngọt, tất cả đều vừa vặn mà không hề ngấy.

Bún thang dân dã đầy “gọi mời”

Cũng không thể không nhắc tới bún thang, bởi đây là một “sản vật” nhất định phải thử khi du lịch Hà Nội. Thoạt nhìn bún thang hết sức bình dị, thế nhưng người chế biến đã phải hết sức kỳ công và trải qua nhiều công đoạn để cho ra một tô bún thang ngon tuyệt cú mèo. Bún thang gồm có nước dùng có phong vị đa dạng, bên trên là lườn gà xé nhỏ. Trứng mỏng, giò lụa thái sợi, thêm ít rau thơm để trang trí và khiến món ăn thêm hấp dẫn.

Chiều chiều nhớ ghé gánh hàng bún đậu mắm tôm trên phố

Một trong những món ăn không chỉ làm say lòng du khách ở Hà Nội mà khi du nhập vào các tỉnh thành khác, bún đậu mắm tôm cũng “làm mưa làm gió”. Không cầu kỳ trong chế biến, không cao lương mỹ vị, mà chỉ cần một gánh hàng rong, một chiếc khay mộc mạc từ tre, một ít bún tươi, vài miếng đậu vàng giòn, chén mắm tôm đặc trung thêm lát chanh, lát ớt, tất cả nằm gọn lỏn trên miếng lá chuối xanh bình dị, bấy nhiêu thôi cũng đủ để làm căng tròn bụng vì “đã”.

Bún đậu mắm tôm

Bún đậu mắm tôm thơm nức mũi. (Ảnh: Internet)

Bánh cuốn Thanh Trì – Nét duyên dáng của mảnh đất Kinh Kỳ

Bánh cuốn Thanh Trì mê hoặc thực khách bởi hình dáng bên ngoài đẹp mắt, khi ăn mùi hương thơm thơm, nóng hổi khiến ai cũng quyến luyến không rời. Lại nhớ những ai đã từng được ăn đều không thể quên được kỷ niệm đáng nhớ ấy tại mảnh đất Kinh Kỳ.

Chả cá Lã Vọng, nhớ Hà Nội xưa

Với người Hà Nội, Chả cá Lã Vọng như một phần của ký ức, mỗi lần ăn là một lần nhớ nhung và hoài niệm. Người ta ăn chả cá Lã Vọng chẳng phải chỉ vì vị thơm giòn của nó mà còn vì cái tình ẩn chứa sâu thẳm ở đâu đó. Lã Vọng xưa được làm từ cá lăng, nay được thay thế bằng cá quả do cá lăng trở nên khan hiếm hơn.

Với những thông tin thú vị vừa rồi, CET hy vọng bạn sẽ có một kỳ nghỉ đáng nhớ tại thủ đô Hà Nội nhé.

Điểm: 3.99 (8 bình chọn)

Tác giả: Chef Lập

Lập Chef là một trong những Đầu bếp nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện tại, ông đang đảm nhận chức vụ Bếp trưởng Điều hành tại một Khách sạn cao cấp và đã đào tạo nên nhiều thế hệ Đầu bếp trẻ. Với nhiều đóng góp trong việc phát triển ẩm thực Việt Nam, những kiến thức ẩm thực mà ông cung cấp luôn hấp dẫn và hữu ích với độc giả.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn