Chè khoai mì với những viên khoai dẻo, bùi hòa quyện với nước cốt dừa béo ngậy cùng hương thơm của vani là món ăn khoái khẩu của rất nhiều chị em. Tuy nhiên, để chế biến được món chè khoai mì đúng vị, dẻo mềm thì không phải ai cũng làm được. Hãy cùng theo dõi cách nấu chè khoai mì mài của Cet.edu.vn để xem bí quyết của món ăn này là gì nhé!
Để món chè khoai mì đảm bảo được màu sắc và hương vị, bí quyết nằm ở việc chọn lựa khoai mì. Khi mua, bạn không nên chọn những củ bị hư, sượng hay có mùi lạ, dập mốc bởi chúng không chỉ làm làm ảnh hưởng đến vị của món ăn mà còn gây hại cho sức khỏe. Bạn nên chọn những củ mập, tươi, lớp vỏ tươi vì đó là những củ mềm ngọt, ít xơ. Cẩn thận hơn, bạn nên dùng móng tay cạo lớp vỏ mỏng phía ngoài, nếu lớp vỏ bên trong có màu hồng nhạt thì chọn, còn nếu là màu trắng thì bỏ qua. Vì lớp màu hồng sẽ ít độc tố hơn.
Chè khoai mì có 2 cách làm, một là chè khoai mì mài và còn lại là khoai mì hấp cắt miếng. Cùng xem cách làm ngay sau đây nhé!
Chè khoai mì nước cốt dừa
Nguyên liệu chè khoai mì nước cốt dừa
- 600g khoai mì
- 100g đường
- 50g lá dứa
- Dừa nạo
- 1 ống vani
Chè khoai mì ngọt bùi (Ảnh: Internet)
Cách nấu chè khoai mì nước cốt dừa
Bước 1: Sơ chế khoai mì
Khoai mì khi mua về, bạn gọt sạch vỏ, ngâm với nước khoảng 15 phút rồi vớt để ráo. Tiếp theo, bạn cho khoai vào nồi, hấp chín. Khi khoai chín, bạn cắt khoai mì thành từng miếng vuông vừa ăn.
Bước 2: Nấu chè
- Lá dứa bạn đem rửa sạch, cột thành bó. Sau đó cho vào nồi.
- Cho nước ấm vào dừa nạo, vắt lấy nước cốt dừa rồi cho nước cốt vào nồi có lá dứa.
- Cho tiếp đường và ít muối vào nồi nước cốt.
- Tiếp theo, bạn cho nồi nước cốt dừa lên bếp, nấu cho nước sôi. Sau đó, vặn nhỏ lửa tiếp tục đun để lá dứa tiết ra hương thơm.
- Khoảng 5 phút sau, bạn vớt lá dứa ra ngoài, rồi cho khoai mì vào nồi. Khuấy đều và nhẹ tay để không làm khoai mì bị nát.
Bước 3: Hoàn thành
Nêm nếm gia vị cho ngọt thanh, vừa ăn thì bạn tắt bếp và cho vani vào. Vậy là hoàn thành rồi đấy! Món chè khoai này có thể dùng nóng hoặc lạnh tùy ý. Khi ăn, bạn có thể rắc thêm đậu phộng, mè rang hoặc dừa sợi lên trên.
Chè khoai mì mài, dẻo
Nguyên liệu khoai mì mài
- 500g khoai mì
- Nước cốt dừa
- 1 ống vani
- 200g đường
- Bột năng
- Muối
- Mè rang
- Lá dứa
Chè khoai mì mài dẻo, thơm (Ảnh: Internet)
Cách nấu chè khoai mì mài
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Khoai mì bạn gọt sạch vỏ, ngâm với nước có hòa tan ít muối trong khoảng 2 tiếng. Bởi cách làm này bạn sẽ mài khoai mì và vo thành viên nên cần ngâm với thời gian lâu hơn để loại bỏ độc tố trong khoai mì. Sau đó, bạn đem khoai mì cắt khúc, mài thành bột, bỏ phần lõi và những sợi xơ, rồi vắt bỏ nước.
Lá dứa bạn đem rửa sạch, cắt khúc.
Bước 2: Vo khoai mì thành viên
Bạn cho 4 muỗng bột năng vào khoai mì mài rồi nhào cho đều. Sau đó, vo khoai mì thành những viên tròn vừa ăn. Tiếp theo, bạn cho nồi nước lên bếp, nấu sôi rồi cho từng viên khoai mì vào luộc chín. Luộc đến khi thấy khoai nổi lên mặt nước thì bạn vớt khoai ra thau nước lạnh, rồi vớt ra để ráo.
Ngoài màu trắng của khoai mì ta có thể biến tấu ra nhiều màu sắc hấp dẫn
(Ảnh: Internet)
Bước 3: Nấu chè khoai mì mài
Bạn cho lá dứa vào nồi nước rồi nấu sôi. Tiếp theo, bạn cho đường và muối vào nồi cho vị đậm đà. Sau đó, bạn cho các viên khoai mì vào nấu 10 phút cho khoai mì ngấm đều nước đường. Tiếp đến, bạn tắt bếp và cho vani vào.
Bước 4: Hoàn thành
Bạn cho nước cốt dừa vào nồi riêng, nêm nếm với đường, muối cho vừa ăn rồi nấu sôi. Cuối cùng, bạn múc chè khoai mì ra chén, cho nước cốt dừa lên và rắc mè rang lên là thưởng thức được rồi đấy!
Lưu ý khi ăn khoai mì mài
- Khoai mì khi nhổ lên hay mua về nên nấu ngay không được để quá lâu.
- Gọt vỏ khoai mì cho thật kỹ và ngâm rửa khoai mì với nước sạch.
- Khoai có dấu hiệu bất thường như đốm xanh, mốc thì không được ăn và bỏ đi.
Vậy là hoàn thành cách nấu chè khoai mì dẻo, bùi, hấp dẫn. Với món chè này, bạn có thể thưởng thức lạnh hay nóng tùy thích, nhưng nếu dùng lạnh, bạn nên tăng thêm lượng đường nhé. Chúc bạn sẽ thành công với món chè này!
Ý kiến của bạn