Với hương vị dân dã đặc trưng mà vẫn đậm đà độc đáo, lẩu cua đồng luôn đem đến cho người thưởng thức một trải nghiệm ẩm thực thú vị. Đây cũng là món ăn mà bạn không nên bỏ qua trong cẩm nang nội trợ của mình. Tuy nhiên, lẩu cua đồng cũng có nhiều cách chế biến với hương vị độc đáo riêng. Sau đây, hãy cùng Cet.edu.vn tham khảo hai cách nấu lẩu cua đồng miền Tây và miền Nam ngon nhất để chiêu đãi cả nhà một bữa no nê nhé!
Hướng dẫn cách nấu lẩu cua đồng miền Tây
Lẩu cua đồng là một trong nhiều đặc sản nổi bật của ẩm thực miền Tây.
(Ảnh: Internet)
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 700gr cua đồng
- 500gr bắp bò
- 500gr xương ống
- 5 – 6 quả sấu xanh
- 4 bìa đậu phụ
- 4 quả cà chua
- 1/2 bát con dấm bỗng
- 10 củ hành khô
- 2 củ gừng
- Rau để nhúng lẩu: Rau xà lách hoặc rau diếp, kinh giới, hoa chuối, tía tô hoặc tùy thuộc vào sở thích của bạn.
- Dầu ăn, gia vị
Cách nấu lẩu cua đồng miền Tây
Bước 1: Chế biến nước dùng lẩu
- Đặt vỉ nướng lên bếp gas, để lửa vừa phải, nướng xém vỏ nhánh gừng nhỏ và từ 3 – 4 củ hành khô giúp cho gia tăng hương vị. Nướng xong, bạn dùng dao để bóc vỏ rồi đem rửa sạch. Đập dập gừng và hành rồi để riêng.
- Xương ống mua về rửa sạch, chần xương qua nước vừa đun sôi, vớt xương ra và rửa lại với nước sạch. Tiếp theo, cho xương cùng gừng và hành khô đã được đập dập ở trên vào nồi, nêm vào từ 2 – 3 thìa canh muối, hạt nêm với khoảng 1 – 1.5 lít nước.
- Nếu bạn sử dụng nồi áp suất, ninh trong thời gian khoảng 25 – 30 phút là được. Nếu sử dụng bằng bếp gas bình thường, chú ý không để lửa lớn vì nước dùng sẽ không được trong.
Đun nước dùng lẩu ở lửa nhỏ cho nước dùng được trong. (Ảnh: Internet)
Bước 2: Cách sơ chế cua đồng
- Cua đồng khi mua về đổ vào trong nồi nhỏ, xóc đều với muối hạt để làm sạch rồi rửa lại cua nhiều lần với nước. Tiếp đó, bạn tách bỏ phần mai cua, gạt gạch từ cua vào một bát nhỏ. Phần thịt cua còn lại đem giã nhuyễn ở cối.
- Hòa cua mới xay trên chung khoảng từ 1 – 1.5 lít nước sạch. Tiếp theo, bạn sử dụng một chiếc rây nhỏ để lọc nước cua và bỏ phần bã đi.
Bước 3: Chiên đậu hũ
- Rửa sạch, cắt đậu thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi để thật ráo nước.
- Đun nóng dầu trong chảo rồi cho đậu phụ vào chiên. Chú ý rán đều tay với lửa to để đậu được vàng đều và giòn rụm.
Bước 4: Ướp thịt bò
- Gọt sạch vỏ gừng, rửa sạch, có thể đập dập hoặc cũng có thể thái con chì tùy thích.
- Ướp thịt bò với 1 thìa canh gia vị rồi trộn đều, để trong khoảng 20 phút trước khi ăn vì để lâu thịt sẽ bị thâm.
Bước 5: Chuẩn bị rau để nhúng lẩu
- Rau xà lách và một số loại rau khác khi mua về bạn nhặt bỏ gốc rồi rửa sạch, để ráo.
- Cà chua rửa sạch, bổ theo hình múi cau, chú ý bạn không nên thái cà chua quá mỏng. Sấu xanh đem rửa sạch rồi nạo vỏ. Hành khô đập dập hoặc thái mỏng tùy theo sở thích.
Bước 6: Hoàn thành và thưởng thức
- Tiếp đó bạn bắc nồi lẩu đã được chuẩn bị trên lên bếp ga, đổ nước dùng xương đã được ninh ở trên khoảng đầy 1/2 nồi. Tiếp tục đổ bát nước cua xay đã được lọc vào đầy nồi. Cho thêm cà chua cùng sấu và dấm bỗng vào, nêm gia vị vừa ăn, chú ý đun nhỏ lửa để tránh gạch cua bị vỡ nát.
- Trong khi chờ nước lẩu sôi, bạn phi thơm hành khô trong chảo nóng. Chờ hành khô đã dậy mùi thơm thì nhanh tay tắt lửa và đổ bát gạch cua vào, dùng đũa khuấy nhẹ. Đổ gạch cua đã được phi thơm vào trong nồi nước dùng mới sôi lăn tăn, bạn có thể vớt gạch ra riêng một chiếc bát, khi nào ăn thì thả lại vào trong.
Cách nấu lẩu cua đồng miền Nam
Ngoài cách nấu lẩu cua đồng miền Tây, bạn có thể tham khảo một cách nấu lẩu cua đồng khác của miền Nam theo kiểu lẩu hải sản như sau:
Cách nấu lẩu cua đồng miền Nam khá đơn giản. (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu cần chuẩn bị nấu lẩu cua đồng miền Nam
- 1 kg cua đồng xay sẵn
- 200gr cá thác lác
- 200gr tôm sú tươi
- 200gr mực nang
- 300gr nghêu
- 3 trái cà chua
- 1 kg bún sợi nhỏ ăn kèm
- Hành tím, rau mồng tơi
- Gia vị: ớt sừng, muối, bột nêm, đường, nước mắm, tiêu
Hướng dẫn cách nấu lẩu cua đồng hải sản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Trộn cua đồng xay với một nhúm muối nhỏ. Sau đó cho phần cua đồng xay vào tô cùng chút nước ấm. Lọc cua qua rây, vắt xác cua thật kĩ để lấy hết phần nước cốt. Làm lại thao tác này khoảng 3 lần để lấy phần nước cốt.
- Cà chua rửa sạch, sau đó bổ múi cau
- Tỏi bóc vỏ và băm nhuyễn.
- Cho cá thác lác vào tô cùng ½ thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê bột nêm và ½ thìa cà phê tiêu xau. Dùng muỗng phết thật đều để các thác lác nhuyễn mịn và thấm gia vị.
- Tôm cắt bỏ râu, rửa sạch.
- Mực làm sạch, khứa vài đường trên thân mực, cắt thành miếng vuông vừa ăn.
- Nghêu rửa sạch, sau đó ngâm với nước vo gạo có cắt vài lát ớt để nghêu nhả sạch cát.
- Rau mồng tơi rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Chế biến nước dùng lẩu
Làm nóng chảo sâu lòng cùng một muỗng nhỏ dầu ăn, cho hành tím và tỏi băm vào phi thơm, sau đó cho cà chua vào xào mềm đến khi cà chua ra màu đỏ đẹp mắt thì tắt bếp.
Lẩu cua đồng hải sản có thành phần nguyên liệu đa dạng và hấp dẫn.
(Ảnh: Internet)
Đổ nước cốt lọc cua vào một nồi nhỏ, đun sôi. Nêm vào nồi chút muối, bột nêm và nước mắm. Đợi nước trong nồi bắt đầu sôi và gạch cua nổi lên, đổ phần cà chua xào vào nồi nước lẩu. Tiếp tục đun thêm khoảng 20 phút nữa. Nêm nếm nước lẩu lại một lần nữa cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 3: Thưởng thức
Bắc nồi nước lẩu đặt lên bếp gas mini, vừa đun nóng với lửa nhỏ vừa thưởng thức. Khi ăn, cho phần hải sản đã sơ chế vào nồi lẩu cùng rau mồng tơi. Lẩu cua đồng hải sản dùng kèm với bún tươi đầy hấp dẫn.
Lẩu cua đồng có vị ngọt tự nhiên từ cua đồng và các loại hải sản tươi, nước dùng thanh vị, đậm đà chắc chắn sẽ đem đến một bữa tiệc vị giác ấn tượng cho bất cứ ai được thưởng thức. Hy vọng với cách nấu lẩu cua đồng miền Tây và miền Nam, bạn đã “bỏ túi” thêm vài công thức món ngon vào thực đơn mỗi ngày của gia đình. Chúc các bạn thành công và ngon miệng!
Ý kiến của bạn