Bạn kiếm nhiều tiền nhưng lúc nào cũng thắc mắc: “Không biết tiền đi đâu hết cả?” Đó là do chúng ta chưa có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, nghiêm túc. Cách bạn quản lý và sử dụng tiền bạc có thể tạo ra những tác động sâu sắc đến cuộc sống của bạn. Kỹ năng quản lý tài chính cần thời gian để học hỏi và thực hành để áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu quản lý tài chính cá nhân theo các “quy tắc vàng” dưới đây mà Cet.edu.vn mang đến cho các bạn nhé.
Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được
Nếu thu nhập của bạn là 10 triệu/tháng nhưng chi tiêu lại chạm mức 11 triệu thì sớm muộn bạn sẽ ngập trong những khoản nợ. Nếu tiêu đúng con số kiếm được, bạn sẽ bị động trong những trường hợp khẩn cấp hoặc những thay đổi quan trọng trong đời. Do đó, chi ít hơn số tiền bạn kiếm được là quy tắc đầu tiên bạn phải tuân theo nếu muốn có tiền tiết kiệm và chuẩn bị cho tương lai. Khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu càng lớn, bạn càng dễ xoay sở với các vấn đề liên quan đến tài chính.
Quản lý tài chính là một kỹ năng quan trọng mà ai cũng nên tìm hiểu và thực hành
(Ảnh: Internet)
Luôn lập kế hoạch cho tương lai
Ngoài các hình thức tiết kiệm phổ biến như sổ tiết kiệm hay các khoản hưu trí, bạn có thể cân nhắc đến các hình thức đơn giản hơn. Ví dụ khi mua những món đồ gia dụng (tivi, tủ lạnh, điều hòa…) bạn có thể chọn hình thức trả góp hoặc thanh toán 1 lần. Nếu trả góp thì phải góp bao nhiêu, trong bao lâu? Tài chính không phải chuyện của hôm nay hay tháng này, mà là chuyện của rất nhiều tháng sau nữa. Bên cạnh đó, một “quỹ khẩn cấp” cũng rất cần thiết trong trường hợp xe hỏng hoặc bạn đột ngột bị bệnh vào cuối tháng lương chưa về. Lúc này, một khoản dành dụm nhỏ sẽ phát huy tác dụng của nó.
Hãy đầu tư
Để “tiền đẻ ra tiền” cũng là một cách quản lý tài chính bạn cần chú ý
(Ảnh: Internet)
Vì sao những người giàu thì ngày càng giàu có hơn? Bởi vì tiền có thể tăng lên ngay cả khi bạn đang ngủ, chỉ cần bạn có một khoản tiền “gốc”. Biết đầu tư đúng cách giúp con số trong tài khoản ngân hàng của bạn nảy nở một cách nhanh chóng. Đừng gửi toàn bộ số tiền bạn có trong một ngân hàng lãi suất thấp, thay vào đó hãy chia tiền thành nhiều phần để đầu tư vào các hạng mục khác nhau, kể cả đầu tư cho việc học để có một công việc lương cao hơn.
Bắt đầu thiết lập ngân sách
Lập ngân sách chính là một cách rất hiệu quả giúp bạn quản lý tài chính cá nhân và nắm rõ các khoản chi của mình, để bạn không phải thốt lên những câu như: “Tiền đi đâu mất”, “không biết tiêu gì mà hết?”… Bạn có thể ghi chép bằng giấy, bút, máy tính hay đơn giản hơn là các ứng dụng tài chính trên điện thoại.
Thiết lập ngân sách của mình bằng cách ghi lại tất cả các chi phí thường xuyên của bạn hàng ngày/ hàng tháng, có thể chia theo hạng mục:
– Hóa đơn gia đình (tiền nhà, điện, nước, wifi…)
– Chi phí sinh hoạt (đồ ăn, nước uống, vật dụng nhà tắm, nhà bếp…)
– Sản phẩm tài chính (bảo hiểm…)
– Gia đình và bạn bè (quà tặng, tiền mừng cưới…)
– Đi lại (xăng xe, taxi, phương tiện giao thông công cộng…)
– Giải trí (du lịch, thể thao, ăn uống, xem phim…)
– Đầu tư (học hành, tài chính, tiết kiệm…)
…
Việc thiết lập giúp bạn bám sát được các khoản chi tiêu trong tháng của mình. Nếu số tiền bạn chi tiêu trong một tháng phải thấp hơn số tiền bạn kiếm được là rất lý tưởng. Nếu không, hãy rà soát lại các danh sách và cân nhắc xem bạn có thể cắt giảm chi phí ở khoản nào, đồng thời đặt ra hạng mức chi tiêu cụ thể.
Ghi lại các khoản chi hàng tháng để điều chỉnh, cắt giảm những chi phí không cần thiết
(Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng quá nghiêm khắc không thực sự mang lại kết quả tốt, họ đề xuất đề xuất chia tiền của bạn thành bốn loại:
– Chi phí cố định (50-60%): Đây là chi phí dành cho những khoản cố định mỗi tháng như tiền thuê nhà, điện, nước, wifi, tiền xăng… số tiền có thể chênh lệch một chút tùy theo mỗi tháng, nhưng bạn có thể dự trù được số tiền mà bạn không được dùng phạm vào.
– Đầu tư (10%): Khi bạn tiết kiệm được một khoản tiền, bạn nên nghĩ đến chuyện đầu tư. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên đầu tư một khoản vừa phải, khoảng 10% tiền lương mỗi tháng hoặc tiền tiết kiệm của bạn.
– Tiết kiệm (5-10%): Bao gồm tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn, có thể là tiết kiệm tiền cho các kỳ nghỉ, quà tặng hoặc các giao dịch lớn như TV hoặc xe máy mới. Bạn cũng nên lập một quỹ khẩn cấp – một khoản tiền nhỏ giữ trong thẻ ATM dùng cho các trường hợp bất ngờ như sửa chữa xe hoặc hóa đơn đột xuất.
– Chi phí tự do (20-35%): Đây là khoản chi phí dùng cho các quyết định liên quan đến sở thích cá nhân của bạn như ăn uống, xem phim, mua sắm…. Miễn là bạn đảm bảo duy trì 3 khoản phí trên.
Tổng kết
Bạn nên điều chỉnh tỷ lệ phần trăm dựa trên tuổi tác, mục tiêu tài chính và những gì bạn thấy quan trọng. Nếu bạn không thể tiết kiệm hoặc đầu tư 10% thu nhập sau khi chi tiêu, hãy cố gắng cắt giảm những gì có thể. Bạn cũng có thể tăng thêm tiền tiết kiệm của mình lên 20% ngân sách thay cho việc chi vào những thú vui không cần thiết.
Với những quy tắc trong kỹ năng quản lý tài chính cá nhân mà Cet.edu.vn vừa chia sẻ, hy vọng các bạn có thể quản lý tiền bạc một cách hiệu quả, tránh rơi vào tình trạng “nợ nần” mỗi cuối tháng. Hãy lập ngân sách và theo dõi các khoản chi tiêu ngay từ hôm nay.
Ý kiến của bạn