Để đến gần với cơ hội việc làm mà mình mong muốn thì các bạn cần phải gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng thông qua bản CV gửi đến họ. Hôm nay, CET sẽ hướng dẫn cách viết CV xin việc cho bạn nhé!
CV không chỉ là kê khai lý lịch cá nhân mà còn về học vấn, kinh nghiệm
làm việc của bạn (Nguồn: Internet)
CV là gì?
CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae, thường được hiểu là bản sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, CV không hẳn chỉ là bản kê khai lý lịch cá nhân, gia đình mà còn tóm tắt quá trình học tập, làm việc của bản thân đến với nhà tuyển dụng.
Cách viết CV không có khuôn mẫu trình bày nhất định nhưng tất cả thông tin cần rõ ràng, chính xác, ngắn gọn, cụ thể, đúng chính tả. Ngoài ra, các thông tin cần có trong CV bao gồm: thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và các hoạt động, kỹ năng của bản thân.
Hướng dẫn cách viết CV xin việc
Thông tin cá nhân:
Phần này sẽ bao gồm các thông tin về cá nhân bản thân của bạn: họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ liên lạc, email cá nhân, giới tính, tình trạng hôn nhân.
Lưu ý:
– Các thông tin cần chính xác, cập nhật nếu có sự thay đổi vì nhà tuyển dụng sẽ sử dụng chúng để liên hệ với bạn.
– Bạn nên chèn ảnh cá nhân vào (kích cỡ 3 x 4 cm). Ảnh cần nhìn thấy khuôn mặt trực diện, nghiêm túc.
– Địa chỉ email cá nhân phải là email bạn dùng thường xuyên và nên chọn đặt tên địa chỉ mail nghiêm túc thể hiện sự chuyên nghiệp.
Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp là phần bạn sẽ nêu lên những định hướng, dự định của bản thân về nghề nghiệp thông qua: vị trí ứng tuyển, mức lương bạn hướng tới, những mục tiêu ngắn và dài hạn, kế hoạch cùng lợi ích mà bạn dự tính sẽ mang lại cho công ty.
Lưu ý:
– Bạn nên phân chia mục tiêu ngắn hạn và dài hạn ra trình bày, tránh viết lẫn lộn vào nhau.
– Vị trí ứng tuyển nên viết đúng danh xưng như thông tin tuyển dụng vì tuy cùng một công việc/ vị trí nhưng ở các công ty khác nhau sẽ có cách gọi khác nhau.
– Những kế hoạch bạn đề ra nên càng chi tiết, rõ ràng càng tốt, tránh viết chung chung sẽ tạo cảm giác sáo rỗng.
– Về mức lương mà bạn đề xuất thì nên cần tham khảo trước mức mặt bằng chung hoặc so với mức mà nhà tuyển dụng đề ra.
Tất cả thông tin trong CV cần được trình bày đầy đủ, chi tiết
nhưng ngắn gọn, súc tích (Nguồn: Internet)
Quá trình học vấn
Tóm tắt ngắn gọn về quá trình học vấn của bạn: thời gian học, thời gian tốt nghiệp, tên trường, tên chương trình học.
Lưu ý:
– Quá trình học tập bạn có thể bỏ qua cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở.
– Nên liệt kê cả các khoá học ngắn hạn, các lớp kỹ năng mềm giúp nâng cao nghiệp vụ mà bạn đã từng học.
– Có thể giới thiệu điểm số (nếu điểm tốt), các đề án, đề tài nghiên cứu (có liên quan đến chuyên môn chuyên ngành).
Quá trình làm việc
Để giới thiệu quá trình làm việc, bạn cần kê khai chi tiết thông tin về các công việc mà bạn đã từng làm qua: chức vụ, tên và địa chỉ công ty, trách nhiệm chuyên môn, mô tả ngắn gọn về công việc chính, các thành tích đã đạt được. Đây là một trong những phần được nhà tuyển dụng xem qua nhiều nhất và kỹ nhất.
Lưu ý:
– Các công việc cần liệt kê theo thứ tự gần đây nhất đến về trước.
– Nếu quá trình làm làm việc của bạn ở nhiều nơi nên chọn lọc những công việc có chuyên môn liên quan đến công việc bạn ứng tuyển, để tránh người tuyển dụng bị rối thông tin.
– Nên liệt kê các thành tích mà bạn đã đạt được trong các công việc trước đó (thành tích cá nhân, tập thể) và các chỉ số cụ thể (như doanh thu tăng x%…) sẽ tạo lợi thế ưu điểm cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
– Không nên mô tả dài dòng, trình bày không phân chia bố cục.
– Nếu bạn mới bắt đầu đi làm thì bạn có thể liệt kê công việc bạn đã thực tập hoặc làm thêm. Không nên liệt kê các công việc quá ngắn hạn (dưới 6 tháng).
Các hoạt động, kỹ năng
Phần này các bạn dùng để liệt kê các kỹ năng mà bạn có từ trong quá trình học tập đến khi bạn đi làm hoặc các hoạt động liên quan chuyên môn mà bạn đã tham gia. Ngoài ra bạn có thể thêm thông tin người có xác thực, đảm bảo cho bạn.
Lưu ý:
– Người xác thực nên là người có uy tín, học vấn cao hay cấp trên của bạn. Tránh nêu thông tin không chính xác người xác thực vì có thể nhà tuyển dụng sẽ liên hệ để tham chiếu với họ.
– Các kỹ năng liệt kê đầy đủ nhưng ngắn gọn, súc tích.
Ngoài ra, bạn có thể liệt kê thêm các hoạt động ngoại khoá mà bạn từng tham gia ở trường (như tình nguyện…) hoặc một số kỹ năng, sở thích bên ngoài. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nêu cực kỳ ngắn gọn, tránh không được dài dòng, lan man.
CV chất lượng sẽ giúp bạn gây ấn tượng trong mắt
nhà tuyển dụng (Nguồn: Internet)
Hy vọng với hướng dẫn cách viết CV mà CET vừa chia sẻ, bạn sẽ có bản CV hay, chất lượng, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và mở cửa vươn tới thành công cho bản thân nhé.
Ý kiến của bạn