Mỗi nơi trên dải đất hình chữ S đều ẩn chứa những giá trị văn hóa độc đáo và riêng biệt. Do đó, Cet.edu.vn sẽ lần lượt cùng bạn khám phá về những địa danh này qua mỗi bài viết. Và trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng ghé thăm và tìm hiểu đặc trưng về lễ hội cũng như ẩm thực của vùng đất Quảng Ngãi đầy nắng gió nhé!
Quảng Ngãi được biết đến là cái nôi cách mạng của miền Trung Trung Bộ và là vùng đất có nhiều di tích lịch sử cùng nền văn hóa lâu đời. Không chỉ vậy, Quảng Ngãi còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh non xanh nước biếc với núi Ấn, sông Trà, đảo Lý Sơn, Cổ Lũy Cô Thôn rợp bóng dừa… Những dân tộc anh em chung sống trên mảnh đất này luôn chung tay, cố gắng giữ gìn và phát huy đời sống văn hóa cùng các phong tục, lễ hội tiêu biểu.
Đặc sắc lễ hội ở Quảng Ngãi
Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội này còn có tên gọi là lễ cúng Cá Ông, thường được tổ chức vào đầu mùa đánh cá ở các làng chài ven biển, trong đó có Quảng Ngãi. Người dân tin rằng, cá voi là loài sinh vật thiêng liêng, là cứu tinh giúp người đi biển vượt qua được kiếp nạn và bình an trở về. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trang nghiêm tại các lăng, miếu thờ cá Ông. Trong dịp lễ, tàu thuyền được neo đậu ở bến, lăng hoặc miếu thờ được trang trí lộng lẫy, còn gia đình ngư dân sẽ dâng hương án, đèn, bánh, trái cây, xôi, hoa… Lễ hội diễn ra ở ngoài khơi, có kiệu rước, trống chiêng, đội gươm, đội chèo Bả Trạo để diễn xướng theo nghi lễ.
Hội Đua thuyền
Lễ hội Đua thuyền thường được tổ chức vào ngày đầu xuân từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Bên cạnh đó, vào ngày rằm tháng Bảy, người dân cũng tổ chức đua thuyền để cúng tế các vị tiền hiền. Những chiếc thuyền đua được vẽ hình Long, Ly, Quy, Phượng và trang trí bắt mắt. Ở các vùng như Lý Sơn, vùng hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Bồng, mỗi năm đều tổ chức hội đua thuyền với sự tham gia của hàng vạn người.
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn thu hút đông đảo người dân tham gia
(Ảnh: Internet)
Lễ hội Đâm Trâu
Lễ hội Đâm Trâu là lễ hội đặc trưng của các dân tộc Hrê, Co, Cơ Dong, được tổ chức vào thời gian lúa rẫy đã thu hoạch xong, khoảng vào tháng 11 – 12 âm lịch. Lễ hội diễn ra trong 4 – 5 ngày, với mục đích để dân bản tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù trợ cho mùa màng bội thu. Cùng với đó, họ sẽ chiêu đãi họ hàng, bà con để cùng chia vui với gia đình.
Hội Dồi Bòng
Tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, hội Dồi Bòng là một nghi lễ dân gian tiêu biểu trong Lễ hội đình làng An Hải. Hội Dồi Bòng thể hiện nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh không thể thiếu trong những ngày đầu xuân. Khi lễ hội kết thúc cũng là lúc kết thúc những lễ hội mùa xuân, để nhân dân chuyên tâm bắt tay vào năm mới với những hy vọng và niềm tin mới.
Hương vị khó quên của ẩm thực Quảng Ngãi
Tương tự như những miền đất khác, Quảng Ngãi cũng có rất nhiều đặc sản mà khi nếm thử bạn sẽ vương vấn mãi khôn nguôi. Hầu hết, các món ăn xứ Quảng đều được chế biến đơn giản, mộc mạc nhưng lại hài hòa giữa các vị đắng, cay, chua, ngọt, mặn và đặc biệt là vị cay nồng khó quên. Một số món ăn đặc sản của Quảng Ngãi như:
Món Don
Don là loại cùng họ với hến nhưng cong, mỏng và dài hơn. Don khi được cào lên thì được ngâm, rửa qua nước, sau đó cho vào nước nấu sôi kèm chút muối. Khi nước sôi bùng lên, dùng đũa khuấy đều để don há miệng và nhả chất ngọt. Luộc don sao cho nước phải có vị ngọt thanh và thơm. Món don thường được ăn kèm với bánh tráng nướng cùng ớt chỉ thiên.
Don, món ăn đặc sản của người Quảng Ngãi (Ảnh: Internet)
Kẹo gương đậu phộng
Kẹo gương hay còn gọi là kẹo cứng hay pua – lý – thừng nghĩa là kẹo pha lê. Kẹo gương với màu sắc bắt mắt, ngon, ngọt và giá thành rẻ, là thứ quà đặc sản và là niềm tự hào của người con xứ Quảng.
Cá Bống sông Trà
Là món ăn quen thuộc của người dân Quảng Ngãi, cá bống sông Trà có mặt trong hầu hết các bữa cơm dân dã hay bàn tiệc sang trọng. Cá bống sông Trà là sự kết tinh của sự mặn mòi của đất, nước, lắng đọng vị ngọt của lớp phù sa nên đây là thứ quà đặc sản được dân địa phương ưu ái dành tặng cho khách phương xa.
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có một số món ăn độc đáo như: Gỏi cá cơm, cá cơm rim với tiêu và ớt, mắm nhum, cá niên…
Với những thông tin trên đây, hy vọng các bạn đã hiểu hơn về đặc trưng lễ hội và ẩm thực của vùng đất Quảng Ngãi. Hãy cùng theo dõi các bài viết sau trên Cet.edu.vn để hiểu thêm về các vùng đất tiếp theo nhé!
Ý kiến của bạn