Tuy chỉ mới phổ biến trong thời gian gần đây nhưng món chè khoai dẻo lại được khá nhiều người ưa chuộng. Với sự sáng tạo từ nguyên liệu khoai lang quen thuộc đã tạo ra một loại chè thơm ngon, lạ miệng với nhiều màu sắc. Cách nấu chè khoai dẻo không hề khó, bạn hãy thử vào bếp chế biến theo hướng dẫn dưới đây nhé!
Chè Khoai Dẻo – Biểu Tượng Ẩm Thực Đài Loan Dưới Sự Phá Cách Của Người Việt
Nếu đã từng du lịch đến Đài Loan thì chắc chắn bạn đã thử qua món chè khoai dẻo. Món ăn nguyên bản có những viên khoai môn mềm dai với nhiều vị khác nhau như truyền thống, trà xanh, mè đen,… kết hợp cùng trân châu. Khi du nhập vào Việt Nam, người Việt đã thay thế khoai môn thành khoai lang – loại thực phẩm có sản lượng cao tại nước ta. Ưu điểm của khoai lang là có nhiều loại, nhiều màu sắc khác nhau nên bạn không cần dùng thêm hương liệu tạo màu, tạo mùi khác.
Chè khoai dẻo trở nên thịnh hành trong thời gian gần đây. Nguồn: Internet
Chè khoai dẻo phiên bản Việt bắt mắt với những viên khoai nhiều màu kết hợp với các loại topping như trân châu, sương sáo, đậu đen, đậu đỏ, thạch rau câu,… Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi của khoai lang, béo ngậy của nước cốt dừa, nồng ấm của gừng và vị ngọt tự nhiên từ đường phèn hoặc đường thốt nốt. Món chè thanh mát dành cho ngày hè này có thể thưởng thức bằng 2 cách: ăn nóng và ăn lạnh, mang đến hương vị đặc trưng mà vị giác không thể nào quên.
Hướng Dẫn Nấu Chè Khoai Dẻo Chi Tiết
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Khoai lang trắng: 200g
- Khoai lang vàng: 200g
- Khoai lang tím: 200g
- Nước cốt dừa: 300ml
- Bột năng: 180g
- Đường cát: 150g
- Đường thốt nốt hoặc đường nâu, đường phèn: 300g
- Gừng: 1 củ
- Lá dứa: 5-7 lá
- Mè trắng: 20g
Các loại khoai lang là nguyên liệu chính của món chè này. Nguồn: Internet
Quá trình thực hiện
Bước 1: Sơ chế và nghiền khoai
Đầu tiên, bạn sẽ gọt vỏ, bỏ hai phần đầu của củ khoai rồi rửa sạch với nước. Tiếp theo, bạn cắt khoai thành từng khoanh dày 3cm, sau đó đem đi hấp khoảng 10-12 phút là chín mềm.
Cho từng loại khoai vào những chiếc tô riêng rồi bạn dùng thìa nghiền thật nhuyễn. Lúc này, bạn chia 180g bột năng và 150g đường thành 3 phần bằng nhau rồi cho vào từng tô khoai. Trộn đều các nguyên liệu và dùng tay nhồi đến khi thu được khối bột dẻo mịn, không còn dính tay thì dừng lại.
Bước 2: Tạo hình và luộc các viên khoai
Khi bột đạt yêu cầu, bạn tiến hành tạo hình, có thể vo tròn hoặc nặn thành từng đoạn ngắn khoảng 1cm. Hãy kết hợp các màu với nhau để tạo thành những viên khoai có 2, 3 màu. Bạn nấu nước sôi, sau đó thả các viên khoai vào nồi để luộc, khi thấy tất cả nổi lên trên mặt nước là khoai chín, tắt bếp và vớt ra cho vào nước lạnh. Để các viên khoai dẻo không dính vào nhau và bảo quản lâu hơn thì bạn nên ngâm với chút nước đường hoặc mật ong.
Các viên khoai khi chín sẽ nổi lên trên mặt nước. Nguồn: Internet
Bước 3: Nấu nước đường và nước cốt dừa
Bạn nấu đường thốt nốt hoặc đường nâu, đường phèn với 1 lít nước lọc và lá dứa, tùy vào sở thích ngọt nhiều hay ít mà bạn điều chỉnh định lượng cho phù hợp. Thêm vào nồi nước đường vài lát gừng thái mỏng để tạo mùi thơm. Khi nước đường sôi, bạn tắt bếp và để nguội.
Dùng một chiếc nồi khác để đun sôi nước cốt dừa với 100ml nước lọc, hòa tan 2 muỗng cafe bột năng với nước rồi cho vào nồi, khuấy đều để hỗn hợp sánh lại, sau đó tắt bếp và để nguội.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
Bạn cho các viên khoai dẻo cùng lượng nước đường vừa đủ vào ly, trang trí thêm một chút nước cốt dừa và mè trắng rang lên trên bề mặt. Nếu dùng lạnh bạn thêm một ít đá vào rồi thưởng thức.
Chỉ với 4 bước thực hiện là bạn có thể nấu được món chè khoai dẻo. Nguồn: Internet
Yêu cầu thành phẩm
Chè khoai dẻo khi thưởng thức sẽ có vị ngọt thanh của nước đường, mùi thơm đặc trưng của gừng, còn các viên khoai dẻo đủ màu sắc ngọt bùi, dai dai, dẻo dẻo. Món chè này thích hợp dùng cho cả mùa hè lẫn mùa đông.
Hướng Dẫn Cách Làm Các Loại Topping Ăn Kèm
Thạch sương sáo
Đầu tiên bạn sẽ hòa tan 50g bột sương sáo với 50ml nước lạnh, bạn có thể tìm mua loại bột này tại các cửa hàng, siêu thị. Trong thời gian đó, bạn đun sôi 250ml nước, rồi cho hỗn hợp sương sáo vào khuấy đều, nấu với lửa nhỏ, đến khi sôi trở lại thì tắt bếp. Cho hỗn hợp ra khuôn, khoảng 30 phút sau thạch sẽ đông lại, bạn dùng dao cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn.
Các loại đậu, hạt
Bạn rửa sạch và ngâm các nguyên liệu đậu, hạt như: đậu đỏ, đậu xanh, đậu trắng, hạt sen,… Sau đó, bạn nấu với lửa nhỏ để các loại đậu, hạt chín mềm từ từ, tránh khuấy mạnh tay làm nát, lượng đường cho vào tùy theo khẩu vị của bản thân. Lưu ý, bạn cho nước xâm xấp đậu, không nấu lỏng như chè.
Bạn có nhiều lựa chọn topping để dùng kèm. Nguồn: Internet
Bột báng, hạt é
Bạn ngâm bột báng, hạt é vào nước khoảng 15-30 phút cho nở đều, riêng bột báng bạn luộc thêm khoảng 5 phút để loại bỏ vị chua. Khi chưa dùng đến, bạn nên dùng màng bọc để bọc kín lại và bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Trân châu đen
Đối với topping trân châu, bạn có 2 cách làm:
- Cách 1: Để tiết kiệm thời gian, bạn sử dụng trân châu đóng gói, chỉ cần luộc chín với nước sôi rồi ướp với nước đường hoặc mật ong là hoàn thành.
- Cách 2: Bạn sẽ làm trân châu handmade với công thức 200g bột năng, 100g bột gạo, 20g bột cacao và 30g đường bột. Trộn đều các nguyên liệu với một chút nước nóng (khoảng 90 độ C), nhồi bột thật kỹ rồi vo thành những viên tròn nhỏ. Tương tự như khoai dẻo bạn cũng luộc chín rồi bảo quản bằng cách ngâm vào nước đường.
Trân châu sợi
Bạn cho 200-300g bột năng trộn đều với 100ml nước sôi rồi dùng tay nhồi bột mịn. Bạn đem khối bột cắt thành đoạn ngắn hoặc se thành sợi rồi luộc chín và ướp vào nước đường. Bạn có thể tạo màu cho trân châu sợi bằng bột matcha, bột củ dền, bột cacao,…
Đá thảo mộc
Đá thảo mộc giúp món chè thêm thanh dịu và mát lạnh trong những ngày hè oi bức. Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần làm đông đá một trong những loại trà sau: trà thảo mộc, trà olong, trà hoa cúc, sâm bí đao,… rồi dùng dụng cụ bào nhuyễn hoặc xay nhuyễn để ăn kèm với chè.
Các Lưu Ý Khi Chế Biến Món Chè Khoai Dẻo
- Bạn nhớ lựa chọn những củ khoai còn tươi, không hư, không sùng để đảm bảo hương vị đạt yêu cầu.
- Khi sơ chế khoai bạn nên bỏ 2 đầu vì phần này có nhiều xơ khiến thành phẩm không đẹp.
- Nếu bạn thích các viên khoai dẻo và dai hơn thì tăng lượng bột năng trong công thức.
- Bạn có thể dùng nước dừa thay cho nước lọc để nấu nước đường, giúp món chè thanh mát hơn.
- Các viên khoai và topping được làm từ bột nên được bảo quản trong nước đường hoặc mật ong và để ở nhiệt độ phòng, bạn không nên cho vào tủ lạnh vì khiến chúng bị cứng, không còn dai và dẻo nữa.
- Món chè này có sử dụng đến nước cốt dừa nên mau hư vì vậy bạn chỉ làm vừa đủ ăn, tránh để qua đêm.
Bạn có thể bảo quản các viên khoai chưa luộc trong ngăn đông tủ lạnh. Nguồn: Internet
Trên đây là hướng dẫn cụ thể để bạn cách nấu chè khoai dẻo và các loại topping ăn kèm. Chỉ cần một chút khéo léo để tạo hình các viên khoai đẹp là bạn đã thành công với món chè này. Tiếp tục đón đọc các bài viết tiếp theo để bỏ túi thêm nhiều công thức nấu ăn bổ ích để ghi vào thực đơn tráng miệng hàng ngày của gia đình bạn nhé!
Ý kiến của bạn