Shaking là một trong những kỹ thuật cơ bản thể hiện rõ nét phong cách nghề và gắn liền với “dân” pha chế chuyên nghiệp. Vậy kỹ thuật shaking là gì? Công dụng và cách thực hiện kỹ thuật này trong pha chế như thế nào? Cùng CET khám phá ngay nhé!
Kỹ thuật shaking là gì?
Shaking là kỹ thuật sử dụng shaker (bình lắc) để hòa trộn các nguyên liệu pha chế vào với nhau. Khi lắc, các nguyên liệu sẽ chuyển động theo 1 quỹ đạo cố định nên hòa quyện với nhau một cách nhịp nhàng, làm cho hương vị, màu sắc của đồ uống trở nên trọn vị hơn.
Shaking là một trong những kỹ thuật cơ bản của pha chế đồ uống chuyên nghiệp
Trước khi lắc, bartenrder phải đảm bảo bình lắc đã được vệ sinh sạch sẽ, sau đó phải kiểm soát lượng đá cho vào trong bình. Nếu cho quá ít đá thì khi lắc, đá sẽ tan ra hết, dẫn đến làm loãng mùi vị đồ uống. Tốt nhất là nên cho đá lấp đầy 2/3 bình lắc.
Khi thực hiện thao tác, luôn cầm bình lắc bằng 2 tay. Nếu bạn đã tự tin và có khả năng chuyên nghiệp cao có thể cầm 1 tay. Sử dụng cổ tay chuyển động theo một hướng nhất định khi lắc. Không nên cho các đồ uống có gas vào khi thực hiện kỹ thuật shaking vì sẽ khiến khí gas bị dồn nén, mở ra sẽ bị sủi bọt gas nên có thể gây ra các tình huống khó xử.
Tại sao lại có kỹ thuật shaking?
Kỹ thuật shaking được ứng dụng thường xuyên để giúp đồ uống được làm lạnh tự nhiên, giảm đi nồng độ cồn của rượu, tăng hương vị, màu sắc tự nhiên để trở nên thơm ngon, hoàn hảo hơn. Với các loại syrup, nước trái cây, sữa… khi shaking sẽ không bị tách lớp, lên màu đều, đẹp.
Tại một quầy nước uống, quầy bar, khách hàng thường sẽ bị thu hút bởi các động tác shaking được những nhân viên pha chế thực hiện một cách điêu luyện, chuyên nghiệp. Do đó, đây cũng là một “vũ khí lợi hại” để các bartender “khoe tài” và thể hiện phong cách, cá tính của bản thân.
Shaker là một vũ khí lợi hại” để các bartender “khoe tài” và thể hiện phong cách cá nhân
Kỹ thuật shaking đòi hỏi người pha chế cần có sự kiên trì và đôi tay khỏe, vững chắc, đồng thời có thêm tinh thần nồng nhiệt khi thực hiện mới thể hiện được phong thái của một người làm pha chế chuyên nghiệp.
Có những loại bình shaker nào?
Để thực hiện kỹ thuật shaking cần có shaker. Shaker được chia làm 2 loại là: Cobbler Shaker và Boston Shaker. 2 loại shaker này được lại được thiết kế theo nhiều kiểu dáng khác nhau.
Các loại shaker và kiểu dáng thường gặp. Ảnh: Internet
Boston Shaker(bình lắc 2 mảnh) có 2 phần: một cái ly kim loại cỡ lớn hoặc ly thủy tinh cỡ lớn và một ly kim loại cỡ nhỏ hơn để làm nắp đậy. Khi lắc thì gắn hai phần này để được một bình lắc đồ uống hoặc có thể sử dụng riêng để dầm đá hoặc khuấy đều.
Cobbler Shaker (bình lắc 3 mảnh): được chia làm 3 phần gồm: thân bình, bộ phận lọc và nắp đậy đều làm từ kim loại. Dụng cụ shaking này xuất hiện tại Mỹ vào năm 1872 thông qua các Bartender người Nhật và thường được dùng để pha cocktail với dung lượng nhỏ, dễ dàng lọc ra ly mà không cần dùng thêm strainer.
Hướng dẫn sử dụng bình Boston Shaker
Đầu tiên, bạn sử dụng phần thấp để đựng nguyên liệu pha đồ uống và đá. Sau đó đậy phần còn lại (nắp) lên trên cho cố định, tránh đặt chênh lệch để nguyên liệu không bị rớt ra ngoài.
Dùng 1 tay thuận giữ phần phía trên, một tay không thuận giữ bên dưới shaker, giơ ngang bằng vai và nghiêng sang một bên. Bước một chân thuận lên tạo điểm tựa vững chắc. Sau đó dùng cổ tay chuyển động lên xuống theo một phương nhất định. Lắc liên tục từ 10 đến 20 giây cho đến khi thấy lạnh bên ngoài, có hơi lạnh phủ kín bình lắc là được.
Cách sử dụng bình Boston Shaker
Để mở shaker, bạn dùng cổ tay đánh vào ½ giữa điểm khít và điểm hở trên diện tiếp xúc của 2 đầu shaker. Nếu không đánh vào đúng điểm giao của 2 shaker sẽ rất khó để tách 2 phần shaker ra. Khi dùng Boston Shaker, các bartender thường sử dụng thêm dụng cụ Strainer (đồ lọc) hoặc dùng hai phần của shaker ghép lại tạo thành một đường hở nhỏ để ngăn đá khi rót cocktail ra ly.
Hướng dẫn sử dụng bình Cobbler Shaker
Sử dụng shaker 3 phần như Cobbler Shaker sẽ đơn giản hơn so với Boston Shaker. Bạn cho nguyên liệu vào phần shaker bên dưới, sau đó đậy nắp lại. Lắc đều theo một phương nhất định tương tự như dùng Boston Shaker. Khi thấy lạnh bên ngoài và có hơi lạnh phù kín bình lắc là được. Khi rót đồ uống, bạn chỉ cần mở nắp rót ra vì bên trong Cobbler Shaker ở trên đã có bộ lọc sẵn để chặn đá lại.
Bên trong Cobbler Shaker đã có bộ lọc sẵn để chặn đá lại khi rót đồ uống ra
Có thể nói, cách thực hiện kỹ thuật shaking không quá khó nhưng nếu không hiểu về công dụng và cấu tạo, phân loại, cách sử dụng shaker thì bạn sẽ rất khó thực hiện khi pha chế đồ uống. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích, thú vị về các dụng cụ và kỹ thuật pha chế đồ uống chuyên nghiệp.
Ý kiến của bạn