Cuộc sống sinh viên là khoảng thời gian đẹp của mỗi chúng ta. Ngưỡng cửa ấy giúp bạn trải nghiệm nhiều điều mới mẻ như là sống xa nhà, đi làm thêm, tự quản lý chi tiêu, tự sắp xếp cuộc sống,… Nhưng không phải ai cũng thực hiện những điều này đúng cách và trọn vẹn. Tham khảo ngay một số mẹo quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả mà CET chia sẻ dưới đây để kiểm soát tài chính của mình tốt hơn nhé!
Bạn Đã Hiểu Về Quản Lý Chi Tiêu Như Thế Nào?
Quá trình lập kế hoạch chi tiêu tài chính cho các nhu cầu, hoạt động trong cuộc sống của chúng ta chính là định nghĩa “quản lý chi tiêu cá nhân”. Bạn có thể thực hiện điều này hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng và thậm chí hàng năm. Quản lý tài chính giúp bạn nắm rõ tình hình chi tiêu của bản thân để cân nhắc, điều chỉnh hợp lý. Từ đó, bạn sẽ loại bỏ được những nhu cầu không cần thiết để tiết kiệm nhiều hơn và tránh các rủi ro về tiền bạc có thể xảy ra.
Quản lý chi tiêu cá nhân là một kỹ năng mà sinh viên cần phải rèn luyện. Nguồn: Internet
Quản lý chi tiêu cá nhân sẽ bao gồm việc lập kế hoạch tiêu dùng, tiết kiệm, kiếm thêm thu nhập và dự trù cho các rủi ro trong tương lai. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ 4.0 cũng đã khiến phương pháp quản lý chi tiêu trở nên hiện đại hơn. Các phần mềm, ứng dụng (app) trên điện thoại di động sẽ cung cấp cho bạn một hệ thống “sổ tay” ghi chép chi tiết, giúp theo dõi và ghi nhận các khoản thu nhập, chi phí hàng ngày. Từ bảng báo cáo, bạn sẽ xem xét và điều chỉnh hành vi tiêu dùng của mình. Việc áp dụng công nghệ đã giúp bạn không còn tốn nhiều thời gian và tính toán chính xác các khoản tài chính.
6 Bí Quyết Quản Lý Chi Tiêu Thông Minh Mà Sinh Viên Nên Áp Dụng
Thiết lập ngân sách cá nhân theo chu kỳ cố định
Bạn hãy lập cho mình một bảng chi tiêu có các mức ngân sách cố định theo chu kỳ hàng tuần, hàng tháng. Việc xác định được hạn mức rõ ràng cùng cách tính toán chi tiêu có chu kỳ sẽ mang lại cảm giác thoải mái và an tâm về tài chính cho bạn. Việc thiết lập mô hình này cũng khá đơn giản với hai mục chính là “Thu nhập” và “Chi tiêu”. Bạn sẽ liệt kê ra các thu nhập thường xuyên như tiền gia đình gửi, tiền lương làm thêm, học bổng và thu nhập khác. Còn đối với “Chi tiêu” được chia làm hai mục nhỏ hơn là “Chi tiêu thường xuyên” và “Chi tiêu tiềm năng”. Các khoản như tiền trọ, xăng xe, ăn uống, giải trí là những khoản tiền mà tháng nào bạn cũng phải chi tiêu cố định . Chi tiêu tiềm năng bao các khoản quà sinh nhật, tiền mừng cưới, du lịch, học thêm, mua giáo trình,…
Bảng thiết lập ngân sách cá nhân mà bạn có thể tham khảo. Nguồn: Internet
Nguyên tắc là bạn phải duy trì mức thu nhập lớn hơn chi tiêu và sắp xếp theo mức độ cần thiết. Nếu biết cách chi tiêu khoa học thì chắc chắn bạn sẽ có kinh nghiệm lập kế hoạch quản lý tài chính cho các dự định kinh doanh trong tương lai.
Đặt ra một số nguyên tắc về chi tiêu
Nếu bạn đang bắt đầu quản lý ngân sách thì hãy đề ra cho mình một số nguyên tắc để bản thân nghiêm túc tuân thủ theo. Đây là một cách hữu hiệu giúp bạn tránh tiêu xài lãng phí, không kiểm soát. Bạn hãy tham khảo một số nguyên tắc sau:
- Quy tắc 24 giờ: được áp dụng khi bạn muốn mua một món đồ đắt tiền nào đó. Hãy dành 1 ngày (24 giờ) để bản thân suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Theo thời gian, ý định mua những món hàng không cần thiết sẽ được bỏ qua dù trước đó bạn mê mẩn đến đâu.
- Sử dụng tiền mặt: việc lạm dụng hình thức thanh toán qua thẻ, ví điện tử sẽ khiến bạn dễ “vung tay quá trán”, vì vậy bạn nên sử dụng tiền mặt để dễ kiểm soát và quản lý chi tiêu tốt hơn.
- Đặt ra giới hạn chi tiêu: cụ thể ở đây chính là quy tắc 50/20/30, tức bạn dành 50% ngân sách cho những điều quan trọng (ăn uống, đi lại, học hành, chỗ ở,…); 30% cho các nhu cầu cá nhân (sở thích, hội họp, mua sắm, du lịch,…) và 20% để tiết kiệm. Việc phân chia tỉ lệ rõ ràng vậy sẽ giúp bạn có kế hoạch chi tiêu phù hợp.
- Sống tối giản: một lối sống khá phù hợp cho các bạn sinh viên có mức thu nhập còn thấp, phụ thuộc vào gia đình. Hãy chỉ mua những đồ dùng cần thiết, sử dụng thường xuyên; giảm số lượng mà tăng chất lượng những món đồ bạn mua. Nguyên tắc này luyện tập cho bạn tính tiết kiệm và giảm nỗi lo về vật chất.
Nguyên tắc 50/30/20 giúp bạn tiết kiệm tài chính tốt hơn. Nguồn: Internet
Tránh và giảm thiểu tối đa các khoản nợ
Trong cuộc sống sinh viên sẽ khó tránh những trường hợp bạn mất kiểm soát chi tiêu cho các chuyến du lịch, hội họp bạn bè hay mua sắm. Lúc này thì giải pháp vay mượn từ bạn bè, người thân là cách giải quyết hữu hiệu, mang tính chất tạm thời. Hiện nay, các dịch vụ như thẻ tín dụng, ưu đãi vay tiêu dùng,… của các công ty tài chính rất phát triển và được quảng bá rộng rãi. Nếu bạn chưa có kỹ năng tiêu dùng hoặc chưa hiểu rõ cơ chế về lãi suất của các dịch vụ này thì sẽ dễ dàng rơi vào những “chiếc bẫy ngọt ngào”. Khi ấy, các khoản nợ ngày càng tăng lên mà bạn lại không có khả năng chi trả. Chính vì thế, bạn hãy tiêu dùng đúng mực, chỉ vay mượn khi cần thiết và không sử dụng các dịch vụ tài chính nếu chưa hiểu rõ về bản chất của nó.
Làm thêm để tăng thu nhập
Một biện pháp giúp bạn tránh được tình trạng thiếu hụt ngân sách chi tiêu hàng tháng chính là làm thêm. Ngày nay, có nhiều công việc làm thêm để các bạn sinh viên có thể lựa chọn như gia sư, nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng, PG, tài xế công nghệ, shipper, cộng tác viên viết bài,… Mức lương tương đối phù hợp cùng thời gian làm linh hoạt là những ưu điểm cho phương pháp này. Những kinh nghiệm thực tế từ công việc làm thêm sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi đi xin việc làm sau này. Tuy nhiên, bạn phải lưu ý cân đối giữa thời khóa biểu và lịch làm, tránh bỏ bê việc học và chú ý đến sức khỏe của bản thân.
Công việc phục vụ nhà hàng, quán ăn được nhiều bạn sinh viên lựa chọn để tăng thu nhập. Nguồn: Internet
Tận dụng thẻ sinh viên, săn mua hàng khuyến mãi
Thẻ sinh viên còn được mệnh danh là thẻ giảm giá đa năng với nhiều phúc lợi đi kèm. Các bạn sẽ nhận được nhiều ưu đãi như khi đi xe buýt, xem phim, mua hàng, đăng ký các gói sim của nhà mạng,… Kỷ niệm của các bạn sinh viên còn là những lần canh giảm giá để mua những đồ dùng cần thiết hay những món đồ yêu thích. Nhưng bạn cần phải tỉnh táo và căn cứ theo danh mục chi tiêu hàng tháng để mua sắm.
Tái sử dụng sách vở, giáo trình cũ
Giáo trình rất cần thiết đối với việc học của sinh viên, nhưng có giá thành khá cao. Vì thế, để tiết kiệm, bạn có thể xin hoặc mua lại sách cũ của các anh chị khóa trước. Trong quá trình học, việc tham khảo tài liệu diễn ra thường xuyên nên bạn cần phải cân nhắc, tính toán để tiết kiệm khoản tiền hoặc dành nhiều thời gian lên thư viện mượn để nghiên cứu.
Quản lý chi tiêu tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của bạn. Nguồn: Internet
Trên đây là một số tips nhỏ mà CET tổng hợp để giúp sinh viên có thêm kỹ năng sống, đặc biệt là những bạn mới bỡ ngỡ bước vào cuộc sống tự lập, xa gia đình quản lý chi tiêu cá nhân hợp lý. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết nhé!
Ý kiến của bạn